Cả công ty bảo hiểm lẫn tái bảo hiểm đang khẩn trương thực hiện bồi thường thiệt hại do bão lũ.
(ĐTCK) Trước mức tổn thất dự báo rất lớn do bão lũ gây ra, các nhà tái bảo hiểm đã sẵn sàng vào cuộc.
Thông tin từ Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam (VINARE) cho biết, hiện đang phối hợp chặt chẽ với các đối tác là doanh nghiệp bảo hiểm gốc để gửi thông báo tổn thất (loss advice) chính thức, từ đó đơn vị có thông tin tương đối chính xác về trách nhiệm bồi thường tái bảo hiểm do bão số 3 Yagi gây ra, dựa trên thống kê trách nhiệm bảo hiểm theo từng hợp đồng bảo hiểm gốc và tỷ lệ nhượng tái bảo hiểm của từng đối tượng.
Đồng thời, VINARE tiếp tục phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp bảo hiểm, công ty giám định độc lập trong nước và quốc tế để thực hiện các chuyến giám định tại hiện trường, kịp thời nắm thông tin, hồ sơ, tài liệu liên quan đến tổn thất để có thể nhanh chóng hỗ trợ khách hàng.
Trên cơ sở đó, VINARE chủ động thu xếp nguồn tài chính để kịp thời thực hiện thanh toán tạm ứng, bồi thường khi có hồ sơ yêu cầu từ các doanh nghiệp bảo hiểm gốc trong nước để nhanh chóng thanh toán cho các khách hàng là người mua bảo hiểm.
Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, một chuyên gia giám định bảo hiểm cho hay, mức tổn thất bảo hiểm hơn 7.000 tỷ đồng do bão lũ công bố trước đó chỉ là thống kê ban đầu, trong những ngày tới có thể tăng lên hơn 10.000 tỷ đồng.
Tại doanh nghiệp, tính đến 14h00 ngày 17/9/2024, Bảo hiểm BIDV (BIC) thông báo đã tiếp nhận thông tin tổn thất từ 841 khách hàng, trong đó 386 khách hàng bị thiệt hại về tài sản; 47 khách hàng bị thiệt hại về hàng hóa, tàu thuyền; 406 khách hàng bị thiệt hại về xe cơ giới.
Ước tính tổng thiệt hại gần 360 tỷ đồng, cao hơn khoảng 160 tỷ đồng so với con số công bố ngày 10/9/2024. Phần lớn khách hàng bị thiệt hại đều nằm trong các khu công nghiệp, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông sản, vật liệu xây dựng và vận tải.
Với Bảo hiểm Bưu điện (PTI), tính đến ngày 18/9/2024, nhà bảo hiểm này ghi nhận 284 vụ tổn thất về tài sản kỹ thuật, hàng hải; 517 vụ tổn thất về xe cơ giới, ước tính số tiền bồi thường trên 200 tỷ đồng.
Các hãng bảo hiểm khác như Bảo hiểm Hàng không (VNI), Bảo hiểm ABIC, Bảo hiểm PVI, Bảo hiểm Bảo Minh… đang cập nhật các vụ tổn thất của khách hàng để có con số thống kê thiệt hại chính xác nhất.
Trong khi đó, Bảo hiểm Bảo Minh vừa có công văn quán triệt về công tác thống kê, khắc phục, xử lý tổn thất do bão lũ. Trong chuyến đi trực tiếp khảo sát tình hình tổn thất của các khách hàng, ông Vũ Anh Tuấn – Tổng giám đốc Bảo hiểm Bảo Minh đã yêu cầu các công ty giám định độc lập tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thành viên của Bảo Minh tại địa phương hướng dẫn, tư vấn cho khách hàng các biện pháp khắc phục để hạn chế tổn thất phát sinh gia tăng, đồng thời tập trung mọi nguồn lực, khẩn trương hoàn thành công tác giám định, đảm bảo việc đánh giá mức độ thiệt hại một cách khách quan, minh bạch, chính xác…
“Số vụ tổn thất đang tăng lên từng ngày, vì vậy con số thiệt hại chắc chắn sẽ chưa dừng lại”, CEO một doanh nghiệp bảo hiểm trong tốp 10 thị phần nói.